Nếu bạn là một người chưa hiểu được hết giá trị và ý nghĩa của cuộc sống thì cuốn sách “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không” của tác giả Paul Kalanithi sẽ giúp bạn nhận ra cuộc sống này đáng giá bao nhiêu và vì sao chúng ta nên học cách yêu thương và trân trọng chính bản thân mình. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những bài học quý giá mà tác phẩm đem lại qua bài review sau đây nhé!
Review sách “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không”: Cái nhìn khác về sự chết!
Cảm nhận về cuốn sách Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không
“Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không” phải nói là một cuốn sách rất hay và đặc biệt đối với tôi. Nội dung xoay quanh cuộc đời và quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ để trở thành một bác sĩ phẫu thuật chuyên nghiệp được tái hiện qua lời tự sự của bác sĩ Paul Kalanithi – tác giả của cuốn sách này.
Đôi lúc, chúng ta đã từng có suy nghĩ thiển cận về nghề bác sĩ, khi xung quanh bắt gặp các trường hợp bác sĩ vì chức quyền hay vật chất mà không màng đến lợi ích của bệnh nhân, hay những thái độ và hành động vô cảm của một ộ phận thiểu số khiến ta nảy sinh cảm giác tiêu cực. Nhưng khi đọc những lời tự sự và Paul, Jeff hay Emma, phần nào tôi cũng hiểu được những khó khăn mà ngành nghề này phải trải qua. Ngoài ra, cuốn sách như là một cuốn nhật ký “về những lời cuối cùng khi tác giả sắp hóa thành hư vô” trải lòng. “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không” giúp ta thấu hiểu nhiều hơn về giá trị của cuộc sống khi liên tiếp phải chứng kiến những cái chết hằng ngày và những phút giây cận kề cửa sinh tử qua con mắt của Paul. Từ đó, tôi nhận ra rằng cuộc sống này đáng quý nhường nào và tại sao chúng ta phải biết trân trọng sinh mệnh của mình.
Những bài học hay đúc kết từ cuốn sách Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không
Hãy sống một cuộc đời ý nghĩa và làm những gì mình thích dù chỉ một lần trong đời!
Tại sao lại nói như vậy? Vì chính Paul – tác giả của cuốn sách này đã từng yêu thích và đam mê với ba lĩnh vực là Văn học, Lịch sử và Y khoa. Mặc dù anh rất khao khát và mong muốn được thể hiện bản thân qua những lời văn, nhưng cuối cùng anh lại lựa chọn theo con đường Y Khoa. Để rồi khi được chẩn đoán bị bệnh ung thư và trong giây phút cận kề với cánh cửa trần gian, anh lại tận dụng một chút sức lực cuối cùng của mình để bày tỏ và chia sẻ cuộc đời của mình qua những trang giấy. Một người đang mang trong mình một căn bệnh ác tính giai đoạn cuối như Paul nhưng anh không ngừng nỗ lực và tận dụng những hơi thở cuối cùng của mình để hoàn thành những nguyện vọng dang dở mà anh chưa thể thực hiện trước đây. Hay khi vào những ngày tháng cuối đời của mình, Paul và vợ anh – Lucy đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm để có thể có con một cách nhanh chóng, và cuối cùng ước nguyện làm ba của anh cũng trở thành hiện thực trước khi từ giã cõi đời.
Chắc chắn, cái chết là một thứ rất đáng sợ, nhưng chết một cách đầy nuối tiếc khi chưa thể sống hết mình và thực hiện những gì mình khao khát thì còn đáng sợ hơn gấp bội lần. Có thể bắt gặp trong mỗi chúng ta – thế hệ của những người trẻ năng động và khát vọng to lớn, chắc hẳn sẽ vô cùng hụt hẫng và suy sụp nếu được chẩn đoán mình mắc bệnh, phải không? Nhưng khác với nhiều lựa chọn buông bỏ và chấp nhận cái chết đang đến dần, thì Paul lại chọn cách đứng lên và dũng cảm đối mặt với nó. Không một chút sợ hãi, anh sử dụng những phút giây cuối cùng để thử nghiệm những phương án chữa trị mới, vẫn bàn chuyện sinh con với vợ và đặc biệt là viết sách – một trong những nghề mà anh yêu thích. Anh làm tất cả mọi thứ để níu kéo sự sống của chính mình, đó mới là đáng trân trọng!
Cái chết đôi khi không phải là tệ nhất
Với cương vị là một bác sĩ, hằng ngày Paul phải tiếp xúc và chứng kiến hàng ngàn ca bệnh và không tránh khỏi những giây phút đấu tranh giữa sự sống và cái chết của những bệnh nhân xấu số. Như khi một trường hợp được Paul kể lại “Chuẩn bị có một ca chấn thương nghiệm trọng: Nam, hai mươi tuổi, tai nạn xe máy, tình hình rất nghiêm trọng”, và khi đến nơi, thì đồng tử bệnh nhân đã giãn rộng, hộp sọ vỡ nát, xuất nặng trên diện rộng, huyết áp giảm đột ngột. Mặc dù tất cả bác sĩ đã cố làm mọi cách để dòng máu thông chảy nhưng cuối cùng, họ đành phải để cậu ra đi. Đọc đến đây, tôi chợt nghĩ rằng, đôi khi cái chết không phải là kết thúc, mà nó là sự giải thoát giúp mở ra một cuộc sống mới, có được một tương lai tươi sáng hơn.
Trân trọng chính sinh mệnh của mình
Toàn bộ chương hai của cuốn sách là cuộc hành trình đấu tranh với căn bệnh ác tính của Paul, về những cảm nhận mà một người đứng trước cánh cửa sinh tử đã trải qua khi anh có thể thấy một cách rõ ràng cái chết đang cận kề. Nhưng không vì thế mà anh nản lòng và nhụt chí, Paul vẫn dành thời gian đó để bày tỏ những niềm yêu thương với người thân của mình, cũng như vẫn duy trì vai trò bác sĩ để đem lại giá trị cho cuộc sống. Tôi tin rằng không phải cái chết nào cũng vô nghĩa, chỉ cần chúng ta hiểu được giá trị bản thân, cảm nhận được mọi khía cạnh và học cách trân trọng cuộc sống. Cái chết không phải là một sự lựa chọn, nó là bắt buộc mà ai cũng phải trải qua, chính vì thế hãy dũng cảm đối diện với nó và hãy sống như thể mai chính là ngày cuối cùng của đời mình. Trở thành một người biết yêu quý bản thân và mọi người xung quanh, tạo dựng giá trị bản thân và góp phần đem lại lợi ích cho xã hội. Có như vậy, khi rời xa thế giới này, chúng ta không phải hổ thẹn và tiếc nuối, mà thay vào đó là một cảm giác tự hào và thanh thản khi ta đã sống một cách đầy trọn vẹn và ý nghĩa nhất!
Hy vọng câu chuyện của Paul Kalanithi trong cuốn sách “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không” sẽ đem đến cho các bạn đọc giả những động lực sống tốt đẹp và có thêm những kiến thức bổ ích về ngành y khoa nhé!