Nguyễn Nhật Ánh – một nhà văn đã quá đỗi quen thuộc với các bạn độc giả trong nước qua những tác phẩm kinh điển như Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Mắt Biếc,…Nhưng mãi đến khi tác phẩm “Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” ra đời, tôi mới thật sự nể phục và hâm mộ sự tài ba của nhà văn này. Không mấy ngạc nhiên khi cuốn sách được xếp vào một trong những tác phẩm “best-seller” bởi tính nhân văn và những giá trị mà nó đem lại. Vậy hãy cùng chúng tôi theo dõi sự tuyệt vời của cuốn sách thông qua bài review sau đây nhé!
Review sách “Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ”: Chuyến du ngoạn về những ký ức tươi đẹp!
Cảm nhận về cuốn sách
“Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” như một bức tranh hoàn mỹ muôn màu muôn vẻ, nó tái hiện một cách sống động và chân thật nhất những câu chuyện, trò chơi, sự hồn nhiên và ngây thơ của những đứa con nít mà ắt hẳn mỗi chúng ta đều đã trải qua. Không biết bao nhiêu người đã lãng quên tuổi thơ của mình để chạy theo những vòng xoáy của cuộc đời, những lo toan cho cuộc sống mưu sinh, thì đây đích thực là một “cỗ máy thời gian” giúp bạn quay lại những ký ức tươi đẹp của thời thơ ấu. Với lối viết văn gần gũi, chân thành cùng những mẩu chuyện hài hước, dí dỏm của những đứa trẻ, chắc chắn đây sẽ là một tác phẩm khiến bạn phải mỉm cười với nỗi tiếc không nguôi khi hoàn thành cuốn sách này.
Cuốn sách bao gồm nhiều chương, với nội dung đa dạng xoay quanh cuộc sống của bốn đứa trẻ nghịch ngợm, luôn nghĩ những trò phá phách nhưng bên trong đó lại là những tâm hồn ngây thơ và hồn nhiên đúng như bản chất một đứa con nít vậy. Cũng nhờ những dòng suy nghĩ của các đứa bé, mà tôi – đại diện cho những người trưởng thành: một cái nhìn khác về trẻ con và những bài học mà người lớn không bao giờ nghĩ đến
Những bài học được lồng ghép qua các nhân vật trong truyện
Sự ngây ngô của những đứa trẻ
Câu chuyện được tái hiện một cách sinh động qua lời dẫn truyện của cu Mùi, vẽ lại một bức tranh sống động đầy ắp tuổi thơ với đồng bọn là Hải cò, Tí sún và con Tủn. Ở cái tuổi ấy, những đứa trẻ chỉ ham mê đùa nghịch, nghĩ ra đủ loại trò chơi để vui đùa, có ai biết mùi vị cay đắng của cuộc đời ngoài kia là gì. Chúng xưng nhau là vợ chồng, đặt chức danh cho từng nhân vật, hay thậm chí là đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán sau những trận ghen tuông giữa cu Mùi và con Tủn nhưng vẫn vui vẻ và làm hòa với nhau. Và đặc biệt, khi đã quá chán những bài học, những lời la mắng của thầy cô trên trường, chúng lại “tự chế” những công thức toán học vô cùng phi logic như 3 nhân 5 sao phải bằng 15, có thể bằng một số khác mà? Chính những dòng suy nghĩ non nớt và quá đỗi ngây ngô ấy đã khiến cho đọc giả có được những trận cười thoải mái ấy.
Đôi khi khiến người lớn phải suy ngẫm
Thế nhưng, đan xen những câu chuyện hài hước và thú vị của những đứa trẻ chính là những bài học mà người lớn phải suy nghĩ không nguôi. Một trong những chi tiết để nói lên điều này chính là khi ba của Tí sún đã biến chú chó mà bốn đứa trẻ hết lòng yêu thương và chăm sóc thành một món nhậu của người lớn. Ba nó đâu ngờ rằng đây chính là chú chó mà tụi nhỏ hết mực nuông chiều và là một trong những người bạn tri kỷ của nó. Chính sự vô tâm của người lớn đã vô tình giết chết cảm xúc của những đứa trẻ, để lại cho chúng những sự buồn tủi và phẫn nộ. Và có lẽ, những hình ảnh này sẽ trở thành một nỗi ám ảnh đi theo suốt cuộc đời của những đứa bé ngây thơ ấy, thay vì đọng lại những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ.
Đỉnh điểm của cuốn sách là khi chúng mở phiên tòa xét xử để nói hết ra những lần phạm lỗi của người lớn: như Hải cò luôn trách móc ba nó vì nhậu nhẹt mà dẫn đến tai nạn, hay ba mẹ Tí sún luôn cho mình là đúng và bắt buộc con cái phải nghe theo sự sắp đặt của mình.
Thông điệp của cuốn sách
Người lớn à! Đúng là cha mẹ ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con của mình, thế nhưng có bao giờ các bạn tự hỏi rằng con mình có thực sự hạnh phúc với những quyết định đó hay không? Và khi các con không đạt được những thành tựu như kỳ vọng, thì ba mẹ lại quở trách và than phiền thay vì ngồi xuống lắng nghe con mình. Có một câu nói mà khiến tôi luôn phải suy nghĩ: “Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa bao giờ làm người lớn”. Đừng áp đặt những suy nghĩ của người lớn vào sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ. Hãy để chúng vùng vẫy và sống đúng với bản chất của mình trong thế giới tuổi thơ ấy. Để sau này khi nhìn lại, đứa trẻ đó sẽ tự hào vì đã có những ký ức tuổi thơ tươi đẹp và không phải nuối tiếc như chúng ta– những người lớn đã bỏ quên ký ức khi phải luôn đáp ứng những kỳ vọng của cha mẹ.
Hy vọng cuốn sách “Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ là một niềm an ủi, là tấm vé giúp các bạn có thể quay trở về những ký ức của thời thơ ấu. Và qua đó, các bậc phụ huynh rút ra được những bài học quý giá và có một cái nhìn khác hơn về tư duy cũng như suy nghĩ của những đứa trẻ.