Với những ai có đam mê và tò mò về tư duy và tâm lý con người thì cuốn sách “Tư Duy Nhanh Và Chậm” của tác giả Daniel Kahneman chắc chắn không thể thiếu trên kệ sách của các bạn rồi. Nó là một trong những cuốn sách được Tạp chí Tài chính của Mỹ đánh giá là “kiệt tác” và đạt giải “Sách khoa học hay nhất của Học viện Khoa học Quốc gia 2012”. Vậy từ đâu mà sự thành công của cuốn sách lại vang dội như vậy? Hãy cùng chúng tôi khám phá qua bài review sau đây!
Review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm: Điều gì quyết định hành vi con người?
Cảm nhận về cuốn sách Tư Duy Nhanh Và Chậm
Tác giả Daniel Kahneman được biết đến là một trong những nhà tâm lý học vĩ đại nhất trên thế giới, từng được trao giải Nobel Kinh tế năm 2002. Với tài năng thiên bẩm vốn có của người do Thái cùng những kiến thức uyên bác và tư duy nhạy bén, ông cùng các đồng nghiệp của mình đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu về hành vi con người. Và kết quả của những cuộc nghiên cứu này sẽ được trình bày qua cuốn sách “Tư Duy Nhanh Và Chậm”.
Bạn là một người có xu hướng đưa ra quyết định chóng vánh bằng việc đánh giá mọi vật xung quanh một cách cảm quan hay thuộc trường phái tư duy chậm khi luôn tư duy một cách cẩn thận, xem xét mọi khía cạnh của vấn đề rồi mới đưa ra quyết đình của mình? Nếu bạn còn đang mơ hồ chưa biết trả lời sao cho câu hỏi này thì hãy để cuốn sách “Tư Duy Nhanh Và Chậm” đưa ra những yếu tố tác động đến hệ thống tư duy của con người nhé! Cùng với lối viết văn hài hước, dí dỏm của tác giả và những kiến thức bổ ích được truyền đạt trong cuốn sách, “Tư Duy Nhanh Và Chậm” chắc chắn sẽ là một tác phẩm đáng đọc mà mỗi người nên trải nghiệm để trau dồi, mở rộng sự hiểu biết của mình về hành vi và lối tư duy của con người.
Theo Daniel Kahneman, hệ thống tư duy tác động trực tiếp đến quá trình nhận thức của con người được chia làm hai loại. Nội dung bài viết sẽ xoay quanh hai hệ thống này và lồng ghép vào đó là các kiến thức và bài học bổ ích cần có cho mỗi người.
Những bài học hay từ cuốn sách Tư Duy Nhanh Và Chậm
Cơ chế hoạt động của não bộ về hệ thống tư duy
Hệ thống 1 – Tư duy nhanh: là lối suy nghĩ mang chút cảm tính khi cơ chế hoạt động của hệ thống này tự động và rập khuôn, với rất ít hoặc hầu như không cần cố gắng và không thể tự kiểm soát. Hệ thống 2 – Tư duy chậm: là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi những hoạt động tư duy cần sự chủ động, nỗ lực và phân tích tình hình một cách hợp lý.
Sau khi đã hoàn thành một số thí nghiệm về tâm lý, Kahneman và đồng nghiệp của mình là Tversky đã chứng minh rằng hầu hết con người đều có xu hướng hoạt động theo hệ thống 1. Mặc dù trong cuộc sống, khả năng tư duy nhanh giúp chúng ta đưa ra những phán đoán và quyết định khá bổ ích và kịp thời, tuy nhiên cũng có những trường hợp dẫn đến sai sót. Trong khi đó, hệ thống 2 đòi hỏi con người phải “tập trung chú ý” để xem xét và đưa ra quyết định. Bạn không thể xử lý nhiều vấn đề cùng một lúc vì sẽ khiến bạn sao nhãng và không tập trung vào vấn đề chính mà bạn cần đưa ra quyết định như việc bạn không thể vừa tám chuyện với bạn bè, vừa tính nhẩm 11×25 bằng bao nhiêu được. Tuy nhiên việc áp dụng hệ thống 2 sẽ giúp con người đưa ra những quyết định ít dẫn đến sai sót và trở nên sáng suốt hơn.
Vì thế chúng ta không nên chọn một trong hai hệ thống mà phải có sự tương tác giữa cả hai bên. Hệ thống 1 sẽ là nơi phát ra những tín hiệu như ấn tượng, cảm xúc của một người đến hệ thống 2. Tại đây, nếu được chấp nhận và thông qua thì những giác quan đó sẽ được thúc đẩy và chuyển sang hành động. Có thể nói, hệ thống 2 càng cần đến sự chú ý và tập trung để xem xét những thôi thúc của hệ thống 1.
Hiệu ứng mồi
Các bạn đã bao giờ nghe về hiệu ứng này chưa? Nghĩa là ví dụ một từ được đưa ra là B_D thì bạn sẽ không thể đoán ra nghĩa nó là gì, nhưng nếu đi kèm với chủ đề như FURNITURE thì tất nhiên bạn sẽ nghĩ ngay đến từ BED, hoặc chủ đề LOW QUALITY (chất lượng kém) thì đó là BAD. Điều đó cho bạn biết rằng không phải khi nào bạn cũng có thể kiểm soát những hành động, suy nghĩ của mình một cách có ý thức mà thay vào đó, chúng ta luôn bị định hướng bởi những điều xã hội và môi trường quanh ta.
Hoặc là hiệu ứng hào quang
Con người hầu như sẽ có xu hướng yêu hay ghét một người chỉ dựa vào một số đặc điểm của người đó, bao gồm cả những thứ bạn chưa trực tiếp quan sát. Chẳng hạn việc bạn gặp một anh chàng lạ mặt tại bữa tiệc giao lưu và ngay lúc đó bạn bị ấn tượng bởi sự thân thiện và dễ gần của anh ấy, bạn trở nên hâm mộ và thích anh ấy vì đặc điểm đó, trong khi tất cả thông tin còn lại bạn của về anh chàng này đều bằng không như sở thích, công việc, gia đình. Người ta gọi đó là hiệu ứng hào quang. Đi kèm với đó, con người còn mắc thiên kiến xác nhận, đó là trường hợp khi chúng ta tự hỏi lại bản thân “Vậy anh chàng đó có thật sự thân thiện không”? Nếu như không có một yếu tố ngoài nào tác động vào thì hiển nhiên ta sẽ tự xác nhận câu trả lời là – thân thiện. Bởi khi đó tâm trí ta đã tự động đồng tình với quan điểm đó. Xu hướng đưa ra quyết định khi chưa có đủ thông tin cùng với hiện tượng thiên kiến xác nhận luôn tồn tại một cách vô thức trong tâm trí ta và dễ dẫn đến những lối phán đoán và hành động hấp tấp.
Khi hoàn thành cuốn sách “Tư Duy Nhanh Và Chậm” của tác giả Daniel Kahneman, tôi cảm thấy đây là một cuốn sách cực kỳ đáng đọc. Tuy nhiên, bài review này chỉ dựa trên những bài học rút gọn mà tôi thấy hữu ích từ tác phẩm. Hy vọng các bạn độc giả sẽ có những góc nhìn mới lạ về tâm lý và kinh tế học hành vi của con người, từ đó rút ra được những kiến thức cần thiết cho bản thân nhé!