Gửi đến các bạn – những người đang cảm thấy tự ti về cuộc sống này và không thể tìm thấy lối thoát cho bản thân mình – một cuốn sách self-help cực kỳ thú vị của hai tác giả Nhật Bản Kishimi Ichiro và Koga Fumitake – “Dám Bị Ghét”. Đây đích thực là một cuốn sách giúp bạn hiểu ra nhiều điều về giá trị của bản thân mình: Làm thế nào để trở nên hạnh phúc? Làm thế nào để biến cái tự ti đó thành động lực trong cuộc đời đầy cam go này? Hãy cùng chúng tôi khám phá cuốn sách này lợi hại như thế nào nhé!
Review sách Dám Bị Ghét: Hạnh phúc khi là chính bản thân mình!
Cảm nhận về cuốn sách Dám Bị Ghét
Khác với các cuốn sách thuộc dạng self-help đã được tung ra thị trường khi những bài học, những lời khuyên của nó được lồng ghép qua các câu chuyện có thực, những mẩu chuyện ngắn về cuộc sống xung quanh của tác giả, “Dám Bị Ghét” của đồng tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake lại chỉ xoay quanh cuộc trò chuyện giữa người Triết gia giàu kinh nghiệm sống và học trò của ông, tưởng chừng đây sẽ là một cuốn sách khô khan và nhàm chán, thế nhưng tôi thật sự bị ấn tượng khi chỉ mới bắt đầu với vài trang sách đầu tiên, những câu nói như con dao hai lưỡi xuyên thấu tâm can tôi bởi vì nó quá đúng! Nó nói lên hiện thực tàn khốc mà chúng ta không dám đối mặt hằng ngày: Tại sao chúng ta cứ quan tâm đến suy nghĩ của người khác mà quên mất chính bản thân ta đang cần gì? Với motip khá mới mẻ cùng những kinh nghiệm sống phong phú của người Triết gia, “Dám Bị Ghét” chắc chắn sẽ để lại cho bạn những trải nghiệm đáng nhớ cũng như những bài học sâu sắc trong cuộc sống.
Những bài học rút ra từ cuốn sách Dám Bị Ghét
Hãy dám đứng lên và thay đổi chính mình!
Trong cuộc sống, không ít lần bạn sẽ đổ lỗi cho những khó khăn hay va chạm trong quá khứ với lý do tưởng chừng như là chính đáng: “Nếu tôi được sinh ra trong một gia đình giàu có thì tôi đã khác”, hay “Nếu tôi có thêm thời gian tôi sẽ làm được hơn nữa”, hoặc là “nếu tôi cố gắng hơn thì đã khác rồi”. Những câu giả định vô nghĩa đó sẽ dần giết chết chính bản thân ta nếu chúng ta không biết nhận ra và sửa đổi. Chả ai trong cuộc đời này có quyền cho bạn một cuộc sống bất hạnh cả, chỉ có bạn là người lựa chọn những con đường dẫn đến cái kết không có hậu ấy. Nhà Triết gia đã nói rằng “Ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, cậu đã chọn “bất hạnh”. Đó không phải là cậu sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh, mà vì cậu đã cho rằng đối với bản thân mình “bất hạnh” là một dạng “thiện”. Chính vì thế, nếu muốn cải thiện cuộc sống của chính bạn, hãy bắt đầu thay đổi lối sống, tư duy của bản thân, quên đi những mệt mỏi, đau khổ trong quá khứ và xem những khó khăn, vấp ngã là những động lực giúp ta rèn luyện ý chí và lòng kiên trì. Có như vậy, bản thân bạn mới có thể có những cái nhìn khách quan hơn cũng như những niềm tin mãnh liệt về một cuộc sống tốt đẹp.
Vai trò của mỗi người trong mối quan hệ
Hầu hết chúng ta đều không hiểu và xác định rõ vai trò của mỗi cá nhân trong các mối quan hệ là gì. Từ đó dẫn đến những suy nghĩ hay cảm giác không đáng có, đặc biệt là Sự tự ti. Khi mà những câu hỏi cứ liên tục xuất hiện xung quanh mỗi cá nhân như “Tại sao người ta làm được mà mình lại không?”, “Tại sao người ta có cái này mà mình lại không có”, chính sự so sánh khập khiễng và luôn đề cao vai trò cũng như khả năng của những người xung quanh như vậy sẽ dần dần khiến ta trở nên chán nản và trở nên ganh ghét với người khác. Hãy nhớ rằng: mỗi cá nhân là một bản ngã riêng, mang những màu sắc riêng biệt, không ai giống ai, chính vì thế chúng ta phải xác định được vai trò của mình là gì trong xã hội này, hãy trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, sống đúng với những gì mình đang có và tạo nên những giá trị riêng cho bản thân. Đừng là bản sao của một ai khác!
Và cuối cùng hãy tự hỏi chính bản thân mình: Tự do là gì là? Làm thế nào để được tự do?
Chắc hẳn, một trong những quan niệm sống của người Việt Nam đó là luôn giúp đỡ người khác, dung hòa các mối quan hệ và tránh sự ghét bỏ. Nhưng “Sống để đáp ứng mong đợi của người khác và phó mặc cuộc đời mình cho người khác, đó là cách sống lừa dối bản thân, đồng thời lừa dối cả những người xung quanh mình”. Đúng vậy, việc luôn phải làm vừa lòng người khác và sống không để bị ghét quả là một điều khó khăn và khiến chúng ta dần phụ thuộc vào những suy nghĩ của người khác. Mỗi người đều có những nhu cầu, những đam mê, những mục đích sống riêng, chính vì thế hãy dám đối mặt với sự ghét bỏ, dám đứng lên vì những ước muốn của bản thân, thoải mái và tự tin với lối sống riêng biệt. Đôi khi chính sự khác biệt đó sẽ tạo nên nét riêng khiến mọi người yêu quý bạn hơn. Đó chính là tự do!
Có thể nói, “Dám Bị Ghét” là một trong những cuốn sách rất giá trị về những bài học làm sao để yêu bản thân và dám đối mặt với sự ghét bỏ của người khác. Hy vọng các độc giả sau khi thưởng thức có thể rút ra được những trải nghiệm đáng nhớ, thấu hiểu bản thân mình hơn và có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống!