Ngay từ khi ra mắt, “Bên Rặng Tuyết Sơn” – cuốn sách của Swami Amar Jyoti đã thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả. Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cụ thể hơn về “cơn sốt” này.
Swami Amar Jyoti tuy xuất thân trong một gia đình giàu có ở Ấn Độ nhưng lại sống một cách giản dị và dành nhiều thời gian để trầm tư, suy nghĩ về cuộc đời. Tốt nghiệp trung học, ông ghi tên vào Đại học Bombay và trở thành một sinh viên xuất sắc về Toán cũng như Khoa học. Trong thời gian học đại học, ông thường bị một cảm giác kỳ lạ thôi thúc, “một sự thiếu thốn lạ lùng” mà ông không tài nào lý giải nổi. Khoảng một tháng trước ngày tốt nghiệp, ông chợt nhận ra rằng cảm giác kỳ lạ ấy chính là nhu cầu về tâm linh. Điều này đã thôi thúc ông bỏ học, lang thang khắp xứ Ấn để tìm thầy học đạo.
Mặc dù đã theo học với nhiều đạo sư đương thời nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn với những gì học được. Chính vì cảm giác kỳ lạ kia vẫn thôi thúc ông nên sau một thời gian tu học trong các đạo viện, ông lên Tuyết Sơn tu nhập thất. Việc tập luyện trong hang đá kéo dài suốt 12 năm ròng cho đến khi cảm giác kỳ lạ kia chấm dứt, ông mới xuống núi dạy đạo và thu tập môn đệ. Thông qua công phu tụ tập nội quán, ông đề cao việc thực hành và khuyên mọi người hãy cố gắng tìm sự hoàn hảo ngay trong chính con người mình dù theo bất cứ một tôn giáo hay pháp môn nào, vì ông quan niệm rằng: “Chỉ có các nỗ lực thực hành mới đưa con người đến chân lý!”.
Về cuốn sách “Bên Rặng Tuyết Sơn”, ngoài vai trò to lớn của tác giả thì cũng không thể không kể đến sự đóng góp quan trọng của dịch giả Nguyên Phong đối với độc giả Việt.
“Bên Rặng Tuyết Sơn” bắt nguồn từ vùng núi Himalaya xa xôi của Ấn Độ, cuốn sách kể về câu chuyện của chàng trai Satyakam và cuộc hành trình đến thung lũng Saraswati để tầm sư học đạo. Điều bất ngờ là vị đạo sĩ già dường như đã nắm rõ mọi thứ về lai lịch của anh cũng như mục đích mà anh xuất hiện ở đó.
Satyakam bắt đầu những bài học tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất lại không. Tất nhiên, việc đi tìm chân lý và sống trong chính chân lý đó không phải là điều dễ dàng, minh chứng cụ thể qua việc Satyakam đã phải trải qua một hành trình dài lên núi bái sư rồi sau đó xuống núi để thu nhận đồ tệ. Anh truyền dạy lại những bài học mà mình đã trải qua để rồi cuối cùng trở thành đắc đạo sau nhiều kiếp tu gian khổ.
“Bên Rặng Tuyết Sơn” không chỉ đem đến cho độc giả những sự thật thú vị về tâm linh và vai trò của việc làm chủ tâm linh, làm chủ số phận mà còn truyền tải những thông điệp cao đẹp về lòng trung thực, sự vị tha và tình yêu thương giữa con người với con người. Đây không chỉ là cuốn sách dành cho những người đang đi tìm chân lý của cuộc đời mình mà còn là bài học sâu sắc về cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau.