Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng đã từng trải qua cái tuổi bồng bột và “bất cần đời” của thời thiếu niên để rồi khi ngoảnh mặt nhìn lại, chúng ta phải thầm biết ơn và trân trọng nó bởi chính những cái trông có vẻ “phóng khoáng” ấy đã tạo nên một con người trưởng thành như ngày hôm nay. Và cuốn sách “Bắt Trẻ Đồng Xanh” của tác giả J.D.Salinger là một tác phẩm đầy màu sắc tái hiện một cách hoàn hảo về chủ đề này. Hãy cùng theo dõi và khám phá những điều tuyệt vời của tác phẩm này qua bài review dưới đây nhé!
Review sách “Bắt Trẻ Đồng Xanh”: Trải lòng về tuổi thiếu niên hỗn loạn
Giới thiệu đôi nét về tác phẩm
Trước tiên, nói đến sự thành công của tác phẩm thì không thể không nhắc đến ngòi bút tài năng J.D.Salinger – một tác giả chuyên viết về các tác phẩm thuộc lĩnh vực tiểu thuyết giáo dục với hy vọng sẽ đem đến cho người đọc những cái nhìn bao quát hơn về suy nghĩ cũng như những hành động và thái độ của tuổi trẻ, xen kẽ vào đó chính là những bài học về giá trị đạo đức và vô cùng nhân văn mà tác giả muốn gửi gắm đến các bạn đọc giả.
Với một người yêu thích sự giản đơn như tôi, thì ngay từ trang bìa tác phẩm đã tạo nên một sự ấn tượng rất lớn khi tác giả quyết định chỉ sử dụng một màu xanh lá cây mộc mạc để làm nổi bật lên bốn chữ của tiêu đề “Bắt Trẻ Đồng Xanh”. Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi chút về cốt truyện của tác phẩm nhé! “Bắt Trẻ Đồng Xanh” là một cuốn tiểu thuyết với nội dung xoanh quanh cuộc đời đầy đau khổ và bi thương của cậu bé Holden Caulfield. Ông đã sử dụng chính ngôi của Holden Caulfield nhằm đem đến sự chân thật và truyền tải được câu chuyện một cách gần gũi nhất. Tác phẩm như một tấm gương phản chiếu chính xác những tâm lý hỗn loạn và suy nghĩ bồng bột của người trẻ, chạm đến những góc đen tối nhất trong quãng thanh xuân của mỗi người.
Các tuyến nhân vật trong truyện
Holden Caulfield – một cậu bé với số phận bất hạnh
Tất cả những gì mà tuổi trẻ của chúng ta đã từng trải qua, chắc chắn khi hoàn thành cuốn sách này, bạn sẽ bắt gặp của chính bản thân mình ngay trong con người của Holden Caulfield bởi những tâm lý và cảm xúc mà cậu bé đã trải qua.
Chỉ mới 17 tuổi nhưng cậu đã thôi học và bị “đá” khỏi trường Pencey Prep bởi những tính cách lầm lì và quái đãng của mình. Thế nhưng, đối với cậu, đây chính là một sự giải thoát cho chính bản thân mình vì cậu ghét những con người tại nơi này, ghét những kẻ cứ tỏ ra thân thiết khi khoác lên mình bộ mặt giả tạo khiến ai nấy đều phát ngán. Thật ra, ở cái tuổi 17 này, cậu chỉ là một đứa bé chưa trưởng thành và cần được bao bọc bởi sự yêu thương của gia đình và xã hội. Nhưng không, ngay cả ba mẹ của Caulfield cũng chỉ biết “vứt tiền” để đẩy con mình vào một trường danh tiếng nuôi dạy thay, thậm chí đến người giáo sư già Spencer mà Holden Caulfield kính trọng và tin tưởng cũng có lúc phải từ bỏ và đưa ra lời khuyên như này: “Cuộc đời là một ván bài, em phải chơi theo đúng luật lệ”.
Chính sự thiếu quan tâm và trách nhiệm của những người xung quanh đã dần đẩy cậu vào con đường cùng và không thể tìm thấy lối thoát, và đỉnh điểm khi cái chết của anh trai mìn xảy ra đã khiến cho Caulfield trở nên ám ảnh và sợ hãi. Cậu tự khoác lên mình một hình dáng lập dị và khác người nhằm che đậy đi sự dằn vặt và lo sợ của mình. Nhưng cũng chính từ lúc này, cậu càng trở nên xa lánh xã hội và thu mình vào trong một vỏ bọc hoàn hảo, để rồi những suy nghĩ tiêu cực về một xã hội đầy dối trá cứ thế diễn ra trong đầu cậu, nào là những từ như “làm bộ làm tịch”, “coi trọng vật chất, lối sống hưởng thụ, xem nhẹ giá trị đạo đức”. Đọc đến đây, ta có thể bắt gặp và thấu hiểu phần nào những lời nói và hành động của người lớn có một phần tác động rất lớn đến lối tư duy của những đứa trẻ. Để rồi qua đây nó phản ánh và phê phán cách hành của những thế hệ đi trước đối với những cô cậu vị thành niên.
Cho đến hành trình thoát khỏi cái bóng của chính mình để trưởng thành
Trưởng thành có thể nói là một trong những giai đoạn cực kì quan trọng trong cuộc đời của con người từ khi sinh ra cho đến khi trở thành một người có giá trị và đóng góp cho xã hội. Và đặc biệt đối với những cậu ấm cô chiêu được bao bọc và chăm sóc trong gia đình thì chắc chắn không thể tránh khỏi những hoang mang và lo lắng khi bắt đầu đối mặt với một thế giới vô cùng rộng lớn và sóng gió.
Nhân vật Holden Caulfield cũng đang trong giai đoạn trải qua những cảm xúc đầu đời của mình như vậy đây! Cô độc, lạc lõng chính xác là những cảm giác mà cậu cảm nhận được khi đối diện với sự thay đổi quá nhanh cả về mặt tâm lý của một đứa trẻ mới lớn và cả về mặt “phức tạp” của xã hội thu nhỏ này. Cũng giống như bao người khác, khi gặp những khó khăn và thử thách, cậu bắt đầu đấu tranh với nó bằng sự nổi loạn và chửi bới xung quanh với những lời thô tục nhằm giải tỏa những bức xúc và căm phẫn trong lòng mình. Nhưng đứng trước những hành động và lời nói của cậu, người đọc sẽ không thể ghét mà thay vào đó là sự đồng cảm và sẻ chia với một cậu bé 17 tuổi đang phải vật lộn với những gian nan mà cuộc sống vốn dĩ mang lại. Ẩn sâu trong những lần phản kháng bất lực của bản thân chính là sự ngây thơ, sự chán nản của một tâm hồn đầy trong sáng và cần được yêu thương bảo vệ.
Thật ra, ai cũng cũng có những mặt tốt và mặt xấu, nhưng cuộc đời lại đưa đẩy khiến ta phải sử dụng những mặt xấu ấy để phản kháng và bảo vệ chính mình. Để rồi khi đã quá mệt mỏi và trải qua một trận ốm nặng bởi những sự thay đổi đầu đời, cuối cùng Holden Caulfield cũng trở về nhà và bắt đầu lại một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuổi trẻ là vậy, phải có những đắng cay ngọt bùi, trải qua biết bao hương vị cay đắng của thế giới đầy cạm bẫy này để rồi từ đó mà ta học được cách lớn lên và trưởng thành từ những vấp ngã đó!
Bắt gặp trong tác phẩm “Bắt Trẻ Đồng Xanh” của tác giả J.D.Salinger chính là những hình ảnh của một cậu bé bồng bột với bộ lông xù xì của mình để phản kháng lại thế giới đầy nghiệt ngã này. Nhưng qua đó chính là một bức tranh hiện thực để người lớn có thể đồng cảm và thấu hiểu với những gì mà tuổi trẻ đã trải qua, để có được những cách ứng xử phù hợp và sự tôn trọng dành cho những người trẻ tuổi.