Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Đúng vậy, không phải bất kỳ đứa con nào ngay từ khi sinh ra cũng có thể đáp ứng mọi kỳ vọng của cha mẹ, nhưng cách chúng ta giáo dục và mài dũa để những đức tính của con trở thành một ngôi sao sáng lại là một thử thách vô cùng gian nan và khó khăn. Chính vì thế, cuốn sách “Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương” của tác giả Sara Imas được xuất bản nhằm giúp các bậc phụ huynh có thêm những kiến thức và phương pháp khoa học trong cách nuôi dạy con cái của mình nên người. Hãy cùng tìm hiểu tác phẩm tuyệt vời này qua bài review sau nhé!
Review sách “Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương”: Nghệ thuật nuôi dạy con cái!
Cảm nhận chung về cuốn sách
Sara Imas – một tác giả gốc Do Thái nhưng đang sinh sống và làm việc tại Thượng Hải. Với lối sống mang chút ảnh hưởng của văn hóa Á Đông cùng các phương pháp nuôi dưỡng con cái nổi tiếng của người Do Thái với quan điểm thương con nhưng không buông thả, mềm dẻo nhưng đầy cứng rắn được thể hiện một trong những câu nói của tác giả mà tôi rất thích: “Làm mẹ nhất định phải là một người lương thiện, một người mẹ lương thiện mới có thể nuôi dưỡng ra những đứa trẻ tốt đẹp.”
Điều tuyệt vời nhất mà mỗi cha mẹ đều mong muốn chính là sự ngoan ngoãn từ những đứa con của mình, những tiếng cười đùa hằng ngày vui vẻ của chúng, dù có phải hy sinh tất cả để đem lại một tương lai tươi sáng cho con thì bất kỳ cha mẹ nào cũng tự nguyện chấp nhận. Nhưng đa số các bậc phụ huynh ở Châu Á thường vì quá yêu thương con mình mà sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ nhỏ, đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo về một cách dạy con không khoa học và hợp lý. Vì thế, cuốn sách “Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương” với văn phong nhẹ nhàng, ấm áp cùng những câu chuyện mang tính đời sống chân thực đã giúp các bậc làm cha làm mẹ sẽ thay đổi tư duy và tìm ra một phương pháp dạy con đúng đắn hơn.
Những điểm đắt giá trong cuốn sách
Tại sao lại có sự đối nghịch giữa yêu thương và tàn nhẫn?
Có không ít những trường hợp dễ dàng bắt gặp trong đời sống khi ba mẹ luôn yêu thương nâng niu con mình mà sẵn sàng nuông chiều và đáp ứng vô điều kiện những sở thích của con cái. Tuy nhiên, đây chính là sự nhầm lẫn tai hại giữa yêu thương và chiều chuộng! Tất nhiên ba mẹ nào cũng dành trọn tình yêu thương cho con cái của mình và sẵn sàng tạo ra một môi trường lành mạnh để con có thể thoải mái vui chơi, học tập và giúp bản thân trở nên tốt hơn, giỏi hơn. Nhưng, nuông chiều thì lại khác, nó không chỉ giúp cho đứa trẻ trở nên khó dạy mà chính bản thân nó cũng tự sinh ra một cảm giác “mình là cái rốn của vũ trụ”, vì nó luôn có được những gì nó muốn và nó xem đây là một điều hiển nhiên. Từ đó, đứa trẻ sẽ trở nên phụ thuộc vào cha mẹ và không thể phát triển bản thân theo cách mà cha mẹ mong muốn.
Ngoài ra, nhiều cha mẹ vì muốn con cái trở nên giỏi giang và là niềm tự hào của gia đình, mà không ngừng ép buộc con mình ra sức học tập. Nhưng đôi lúc sự sắp đặt của cha mẹ sẽ gây nên tác dụng phụ khi những điều cha mẹ mong muốn lại không phải là sở thích của đứa trẻ, khiến chúng trở nên áp lực và căng thẳng khi phải luôn chạy theo những kỳ vọng của gia đình. Đây là một trong những hồi chuông cảnh báo khi trên thực tế, đã có nhiều đứa trẻ tự tử khi còn ở độ tuổi rất nhỏ vì không chịu được áp lực từ gia đình và xã hội.
Giá trị của đồng tiền
Hầu hết các bậc cha mẹ sẽ tạo mọi điều kiện để con mình có thể học tập tốt nhất, chính vì thế khi ra ngoài xã hội, chúng thường thiếu những kỹ năng khác như giao tiếp hay ứng xử với đối phương. Không những thế, nhiều cha mẹ còn sẵn sàng chu cấp cho con mình miễn sao nó sống vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng không! Đối với người Do Thái, họ rất là yêu thương và chăm sóc con mình, nhưng điều tốt nhất mà họ dạy dỗ con mình chính là hiểu được giá trị đồng tiền và cách thức làm sao để có được nó, chứ không phải là đùm bọc và chu cấp cho con mình, như thế đứa trẻ sẽ sinh ra suy nghĩ ỷ lại và không muốn lao động.
Hãy nhớ rằng, lao động là vinh quang. Mỗi người trong cuộc sống đều cần phải lao động để duy trì cuộc sống. Khi chúng ta lao động chân chính và gặt hái được những thành quả do chính sức lực mình làm ra, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và trân trọng nó hơn rất là nhiều. Bên cạnh đó, cha mẹ luôn là tấm gương để con cái noi theo, chính vì thế, muốn dạy dỗ con mình nên người và trân trọng những đồng tiền mình làm ra, thì trước tiên bạn hãy làm được điều đó!
Nhẫn tâm là để yêu thương con nhiều hơn
Cha mẹ nào chả yêu thương con mình, nhưng cách mà chúng ta nuôi dạy và giúp con trưởng thành mới thể hiện đúng đắng tình yêu thương của mình dành cho con cái. Nhẫn tâm ở đây nghĩa là sao? Nghĩa là chúng ta không thể đùm bọc chúng cả đời, đôi lúc phải các bậc phụ huynh phải học cách tàn nhẫn một chút, buông tay con và để nó tự xoay xở, đối diện với những thử thách trong cuộc sống và học cách vượt qua nó. Chúng ta chỉ là những người phía sau, hỗ trợ và tạo điều kiện để con có thể phát huy hết khả năng của bản thân và trưởng thành một cách độc lập. Đó mới chính là phương pháp dạy con đúng đắn.
Khi đọc cuốn sách “Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương” của tác giả Sara Imas, chắc hẳn sẽ có những bậc phụ huynh nhận thức về các phương pháp dạy con sai lầm của mình trước đây. Hy vọng cuốn sách sẽ là một công cụ hữu ích đồng hành cùng các bậc cha mẹ trên hành trang nuôi dưỡng con mình để đứa trẻ có một tương lai rạng rỡ như những gì mà cha mẹ mong muốn.