Bạn là một người tự ti và không dám giao tiếp trực diện với đối phương? Bạn thiếu kỹ năng trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội? Đừng lo, cuốn sách “Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình” của tác giả Keith Ferrazzi sẽ giúp bạn có một góc nhìn mới về giao tiếp và các phương pháp để mở rộng và duy trì mối quan hệ. Hãy cùng chúng tôi theo dõi sự thú vị của cuốn sách cũng như những bài học quý giá qua bài review dưới đây!
Review sách “Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình”: Hiểu hơn về nghệ thuật kết nối!
Cảm nhận về cuốn sách Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình
Keith Ferrazzi được biết đến là một doanh nhân và tác giả sách người Mỹ, được sinh ra trong một gia cảnh bình thường. Nhưng nhờ sự thông minh, thực lực bản thân cũng như những kỹ năng xã hội tuyệt vời, ông đã tự phát triển bản thân trong những trường đại học bậc nhất thế giới như Harvard và Yale, và cuối cùng trở thành một chuyên gia marketing được nhiều người biết đến và nể phục.
Có một thực trạng rằng nhiều người hiện nay đang có suy nghĩ rằng cô đơn chính là người bạn tuyệt vời nhất, họ không bị ai làm phiền vì nghĩ rằng điều đó sẽ khiến mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và tránh được rắc rối. Nếu ai đó khuyên rằng “Hãy kết nối và thiết lập nhiều mối quan hệ xã hội hơn!” thì họ sẽ ngay lập tức trả lời rằng “Không! Tôi chả muốn kết bạn với ai cả, tự tôi có thể làm tất cả những gì mình muốn”. Đó chính là suy nghĩ của hầu hết những người trẻ đầy tự tin và bản lĩnh như tôi vậy, lúc chúng ta còn trẻ và dại khờ. Cho đến khi tôi đọc được cuốn sách “Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình” này, tôi đã nghiệm ra được rất nhiều điều. Tác phẩm như một bức tranh hoàn mỹ vẽ nên những con đường giúp cho chúng ta có được một tư duy mới và quá trình xây dựng quan hệ giao tiếp cá nhân. Lồng ghép vào các câu chuyện, ví dụ trong cuốn sách chính là những bài học, những cách thức truyền đạt cũng như lời khuyên bổ ích giúp ta trở nên tự tin bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, phát triển kỹ năng mềm và mở rộng mạng lưới giao tiếp.
Các bài học hay trong cuốn sách Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình
Góc nhìn mới về giao tiếp và các mối quan hệ
Có một điều thú vị là mặc dù các bạn thích đi ăn một mình, nhưng chắc hẳn đó chỉ là suy nghĩ tại một thời điểm nhất định nào đó hoặc chỉ là một lời biện minh vì mình ngại giao tiếp? Chắc chắn việc đi ăn hay đi giao lưu gặp gỡ một ai khác sẽ khiến cho tinh thần chúng ta trở nên vui vẻ và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Trong cuộc sống, mỗi người sinh ra là một cá thể độc lập, nhưng vô hình chung tất cả đều sẽ có một sự kết nối nào đó mà chúng ta chưa nhận ra, đó gọi là xã hội. Nơi mà con người cần đến nhau để tồn tại và phát triển. Đối với một số nghề nghiệp, khi bạn gặp khó khăn, không phải kinh nghiệm làm việc, năng lực bản thân hay sự chăm chỉ cần cù sẽ giúp bạn vượt qua thử thách, mà chính những mối quan hệ sẽ là cái phao cứu cánh duy nhất của bạn. Ví dụ một việc đơn giản mà chắc hẳn ai cũng trải qua, đó là xin việc. Bạn luôn trách móc nếu ai đó được giới thiệu vào làm trong khi mình lại phải chật vật với đống CV cả hàng tháng trời mới kiếm được việc làm, đúng không? Vậy tại sao bạn không thử suy nghĩ tại sao người ta lại được giới thiệu, họ có mối quan hệ xã hội như thế nào để có được lợi ích đó? Chắc hẳn người biết xã giao và xây dựng mạng lưới xã hội rộng lớn sẽ giúp ích cho bản thân rất nhiều trên con đường phía trước.
Cách mở rộng và duy trì các mối quan hệ
Đúng là không phải ai cũng có thể cởi mở và vui vẻ với người lần đầu mình gặp, hay cảm giác bị từ chối khi muốn bắt đầu một mối quan hệ với người khác cũng là một nguyên nhân khiến cho bản thân cảm thấy ngại trong việc giao tiếp. Nhưng đừng lo, “Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình” sẽ chỉ cho bạn một vài bí quyết! Mối quan hệ nào cũng được thiết lập giữa hai phía, khi cả hai đều cảm thấy vui vẻ và hài lòng với sự giao kết đó. Chính vì thế, việc chúng ta cần làm chính là thể hiện sự chân thành và thành ý của bản thân, luôn chủ động giúp đỡ mọi người mà không yêu cầu nhận lại điều gì. Khi bạn cho đi niềm vui và truyền tải những năng lượng tích cực đến đối phương, thì chắc chắn họ cũng sẽ cảm thấy vui vẻ và muốn xây dựng một mối quan hệ với bạn.
Để duy trì các mối quan hệ xã giao, việc đầu tiên chúng ta phải biết trân trọng và giữ gìn nó, có như thế chúng ta mới biết tầm quan trọng và học cách vun đắp cho mối quan hệ. Thứ hai, hãy luyện tập và duy trì thói quen tương tác, liên lạc với mọi người xung quanh. Và cuối cùng là luôn dành thời gian để gặp mặt hoặc nói chuyện, giao lưu với người thân, bạn bè hay tham gia các buổi hội thảo, workshop làm sao để có thể kết nối và giao tiếp với nhiều người nhất có thể.
Sức mạnh của sự kết nối
Hãy nhớ rằng, mối quan hệ luôn xuất phát và được xây dựng từ hai phía. Nếu bạn muốn nhận lại những gì mình mong muốn, hãy cho đi những gì mình có thể làm để đối phương vui vẻ và hài lòng. Đó là sự công bằng. Ngoài ra, có một câu nói rằng “mây tầng nào thì gặp mây tầng đó”, vì thế một điều quan trọng không kém là chúng ta phải xây dựng thương hiệu và tạo nên dấu ấn riêng cho bản thân mình, cố gắng học hỏi và hoàn thiện chính mình. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ và kết bạn với những người thành đạt, thì trước tiên bạn phải là người thành đạt đã. Hãy lắng nghe và cư xử một cách thông minh để có được những mối quan hệ xã hội tốt và bổ ích. Đôi khi trong cuộc sống, chính những mối quan hệ đó sẽ là tiền để giúp bạn đi đến thành công nhanh hơn. Có một câu nói trong cuốn sách mà tôi rất tâm đắc: “Sự nghèo khổ không chỉ do chúng ta thiếu nguồn lực tài chính mà còn do chúng ta bị tách biệt ra khỏi những con người có thể giúp chúng ta phát huy hết khả năng của mình.”
Hy vọng cuốn sách “Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình” của tác giả Keith Ferrazzi sẽ giúp các bạn đọc giả nhận thức được tầm quan trọng của sự kết nối. Mọi khoảnh khắc đều là cơ hội để chúng ta tạo được mối liên kết với mọi người vì thế hãy học cách trân trọng và thiết lập một mạng lưới cá nhân cho riêng mình nhé!